Cũng nhờ trải nghiệm kết hợp cả PC lẫn console, mà chúng ta có thể nói một chút sang thiết kế có phần nền nã, ít hầm hố của chiếc màn hình này. Tính năng của chân đế thì có vẻ cơ bản, nhưng quan trọng nhất là phần chân mỏng, không choán diện tích bàn làm việc, anh em có thể đẩy bàn phím lên đó cho gọn gàng. Chính giữa chân đế là lỗ chạy dây để “túm” hết những cọng dây nguồn, dây HDMI và Display Port lại một chỗ, cũng phục vụ mục đích làm ngăn nắp góc chơi game.
Còn bản thân tính năng chỉnh góc nghiêng, ngửa 20 độ cúi 5 độ lại là một chi tiết đã trở thành tiêu chuẩn của thế giới màn hình vi tính, cần phải có, nếu không chắc chắn sẽ tạo ra điểm trừ.
Có hai điểm rất hay mà mình thích ở G24F.
Thứ nhất là menu OSD tinh chỉnh hình ảnh rất mượt, mỗi lần di chuyển trong các menu con để chỉnh hình ảnh và chế độ không phải chờ đợi lâu, và vị trí của nút OSD cũng rất tiện, thò tay phải ra phía sau màn hình là thấy ngay, không phải ở cạnh dưới màn hình như vài sản phẩm khác.
Điểm thứ hai là màn hỗ trợ dùng ngàm VESA để lắp arm, giúp góc “làm việc" của anh em rộng rãi gọn gàng hơn nhiều. Nói cách khác, những trang bị đã trở thành tiêu chuẩn cơ bản của màn hình máy tính, G24F đều có.
Và, ở một khúc ngoặt tương đối bất ngờ, là sự ấn tượng đến từ độ chính xác màu sắc của G24F. Bắt đầu trải nghiệm chiếc màn hình này, mình không kỳ vọng nhiều, vì dù sao ở mức giá 5 triệu Đồng và định hướng tới phần đông gamer PC, cũng khó có thể trông chờ chất lượng màu sắc của G24F phải kinh khủng như những mẫu màn hình dành cho dân thiết kế. Nhưng với kết quả đo đạc bằng Datacolor SpyderX Elite, độ phủ 100% dải màu sRGB và 87% dải màu DCI-P3 là kết quả không quá khác biệt so với những lời quảng cáo của Gigabyte. Những màn chơi vẫn sẽ rực rỡ, nhưng trong giới hạn của tiêu chuẩn Standard Dynamic Range.
Cũng cần phải nói đến một trong những vấn đề cơ bản của màn hình LCD, là tình trạng hở sáng, nó vẫn hiện diện trên mẫu màn hình này, chỉ là không quá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trải nghiệm game mà thôi. Trong trường hợp của mình là góc dưới bên trái tấm nền.
Tựu chung lại, tần số quét của màn nhanh, phản hồi và độ trễ tốt, thiết kế ổn, đủ cổng kết nối cho cùng lúc 3 thiết bị, có cả 2 cổng USB 3.0 để lắp light strip RGB cho đẹp, thì có lý do gì không chọn Gigabyte G24F thay vì những lựa chọn màn hình 24 inch 144Hz khác? Có điểm trừ nào đáng đề cập đối với mẫu màn hình này hay không? Đáng tiếc là có.
Để công bằng với Gigabyte, chiếc màn hình họ gửi để mình trải nghiệm không gặp vấn đề gì đáng ngại cả. Nhưng sau 2 ngày liên tục tìm những phản hồi của cộng đồng trên các mạng xã hội, vài người phàn nàn về hai vấn đề chính, thứ nhất là điểm chết trên màn hình có thể xuất hiện, và thứ hai là hiện tượng coil whine, tiếng rít khá khó chịu từ bên trong màn khi đẩy tần số quét qua ngưỡng 120Hz. Hai vấn đề này đều có thể được giải quyết bằng cách kiểm tra thật kỹ chiếc màn hình ngoài cửa hàng anh em mua, và đổi chiếc mới nếu cần thiết.
Còn nếu may mắn chọn được chiếc G24F vận hành hoàn hảo, thì anh em sẽ được trải nghiệm một trong những màn hình gaming bình dân tốt nhất ở thời điểm hiện tại, phù hợp với số đông những người chơi game eSport, dù là chơi điện tử cho vui hay try hard leo rank.